TP.HCM: Kiến nghị không thành lập các khu công nghiệp dệt may quy mô lớn
by Admin
Trước tình hình các khu công nghiệp đã thành lập có khả năng tiếp nhận các doanh nghiệp hiện hữu trong nội thành di dời vào và tiếp nhận các dự án công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may theo định hướng của TP.HCM, UBND TP.HCM vừa kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư không quy hoạch và thành lập các khu công nghiệp dệt may quy mô lớn trên địa bàn TP.HCM.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM đang tiến hành xây dựng dự án trung tâm thiết kế thời trang và giao dịch nguyên phụ liệu ngành dệt may thành phố theo định hướng phát triển ngành dệt may của thành phố.
Theo quy hoạch được duyệt, hiện nay TP.HCM có 23 khu chế xuất, khu công nghiệp (17 khu công nghiệp, khu chế xuất đã thành lập và đang hoạt động được quy hoạch đa ngành).
Các dự án tại khu chế xuất, khu công nghiệp hoạt động đa ngành, trong đó có lĩnh vực dệt may, chủ yếu là may gia công xuất khẩu (khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung I, Linh Trung II; khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, Tân Bình, Tân Tạo, Tây Bắc Củ Chi, Đông Nam,…), lĩnh vực dệt nhuộm quy mô nhỏ (khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Tân Tạo, Hiệp Phước giai đoạn 1,…).
Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp Xi măng Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến năm 2030 theo hướng không đầu tư mới các cơ sở sản xuất xi măng (bao gồm nhà máy sản xuất clinker và trạm nghiền) trên địa bàn TP.
Đối với các cơ sở sản xuất xi măng hiện hữu, UBND TP.HCM đề xuất di dời các nhà máy, trạm nghiền xi măng ra khỏi thành phố theo lộ trình; chỉ cho phép đặt các trạm tiếp nhận, phân phối xi măng đạt yêu cầu vệ sinh môi trường trong các khu công nghiệp (không được nung clinker, nghiền xi măng), nhằm hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường nhưng vẫn đảm bảo doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động trạm tiếp nhận, đáp ứng yêu cầu kinh doanh, phân phối cho thị trường.
Recent Posts
Bông Mỹ chiếm 60% thị phần tại Việt Nam
06/09/2017